Vụ việc tại trường quân sự quân khu 7 gây xôn xao dư luận gần đây không khỏi dấy lên mối quan ngại sâu sắc về tính minh bạch và xác thực của những luồng thông tin, mang đến nhiều điều cần cảnh báo trong bối cảnh mạng xã hội truyền thông phổ biến như hiện nay.
Cụ thể, trong đêm tối ngày 10-1-2023 và rạng sáng ngày 11-1-2023, hai đoạn video đã được phát tán khắp trên các trang mạng xã hội và diễn đàn xôn xao về vụ việc 2 nữ sinh trường Huflit – Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM bị hi*p d*m gây bất bình và phẫn nộ trong dư luận. Tuy nhiên, ngay vào buổi chiều ngày 12-1-2023, phía đại diện nhà trường cùng trường quân sự Quân Khu 7 đã phối hợp tổ chức họp báo, công bố những cá nhân liên quan, đính chính thông tin vụ việc, khẳng định những phát ngôn, những video phát tán là thêu dệt, cắt ghép, câu view gây bất ổn trong dư luận. Mặc dù vụ việc đã được giải quyết bằng những bằng chứng xác thực, trả lại danh tiếng cho Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM và Trường quân sự quân khu 7, nhưng vẫn gây ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội, tâm lý người dân cũng như các bộ phận thông tin truyền thông – có thể nói là “một đêm không ngủ”.
Về nguyên nhân, từ phía chủ quan có thể thấy những cá nhân đã thêu dệt, cắt ghép từ một sự việc tưởng chừng như rất nhỏ nhưng lại biến thành những thông tin độc hại, ảnh hưởng đến xã hội. Những cá nhân đó hoàn toàn không có ý thức trách nhiệm cho những phát ngôn, lời nói của mình, hoàn toàn không nhận thức được hành vi của mình có thể gây ảnh hưởng đến lớn như thế nào, khiến rất nhiều cá nhân và tập thể chịu những ảnh hưởng không hề nhỏ. Đồng thời, từ phía khách quan, những trang báo lá cải, những trang truyền thông đưa tin không hề có sự kiểm định và chắt lọc thông tin, chỉ cần thấy “giật gân” là lan truyền. Thậm chí, có những cá nhân, trang báo mang những phát ngôn thêu dệt, “nhét chữ”, tạo nên những kịch bản mà không ai có thể nghĩ ra được, gây nhiễu loạn, xáo trộn thông tin đối với người đọc, người nghe. Những “thông tin bẩn”, “truyền thông bẩn” đó có thể sẽ bị những kẻ mang ý đồ lợi dụng trở thành công cụ vu lợi bất chính, “dắt mũi dư luận”. Cụ thể, ngay sau khi có thông tin khoảng 1-2 tiếng đã xuất hiện 1 số đối tượng, “nhà hảo tâm” đăng bài “số tài khoản ủng hộ đòi lại công bằng cho nữ sinh Huflit” ???
Thời đại công nghệ kết nối, mọi nguồn thông tin mở rộng, mọi vụ việc đều có thể xuất hiện trên màn hình chỉ ngay sau đó chỉ 1-2 phút. Các cá nhân tiếp nhận thông tin có thể bị lợi dụng bất cứ lúc nào, nhẹ thì mất tài khoản cá nhân, nặng thì mất tiền không rõ lý do… Bởi vậy, việc sử dụng mạng xã hội ngày nay đòi hỏi người dùng cần có khả năng phân tích, kiểm chứng thông tin thật chính xác, mang lại cho mình những cái nhìn thật khách quan và công tâm về vụ việc, tránh những sự việc đáng tiếc xảy .
Kết lại, qua vụ việc vừa rồi như một lời cảnh tỉnh và báo động thực sự đến những “cư dân mạng”, những người sử dụng mạng xã hội. Chỉ một nút share, một cái nhìn phiến diện, một kịch bản chẳng ai ngờ cũng có thể taọ nên ảnh hưởng tâm lý những góc nhìn tiêu cực không đáng có trong xã hội. Những con người làm truyền thông, luôn đặt giá trị tốt đẹp trong từng sản phẩm truyền thông như ABIGMEDIA luôn mong mỏi một môi trường truyền thông lành mạnh, tích cực không chỉ cho bản thân, cho cộng đồng mạng mà cho toàn thể xã hội và đất nước Việt Nam.